Một trong những điểm đặc sắc nhất của tiểu thuyết Kim Dung là cách ông mô tả võ công và những cảnh giao chiến rất độc đáo với tình tiết câu chuyện đầy sáng tạo. Các môn võ và nhân vật trong truyện được Kim Dung hòa vào nhau với những đặc trưng riêng biệt. Do đó không đơn giản “đọc để mua vui” mà còn ẩn chứa bên trong những ý nghĩa sâu sắc.
Dịch Cân Kinh được coi là môn võ công biểu tượng của tiểu thuyết Kim Dung, là môn võ công mà người xem rất quen thuộc qua những bộ phim như Thiên Long Bát Bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký.
Dịch Cân Kinh được Đạt Ma ghi rằng xếp thứ 2 trong Tứ Đại Thần Công. Người đời cho rằng xếp thứ 2 nhưng thực ra danh xưng là đệ nhất. Hộ thân kình của Dịch Cân Kinh được ghi là Ngoài Nhu Trong Cương.
Dịch Cân Kinh là một trong 2 môn thần công trấn pháp của Thiếu Lâm Tự cùng với Tẩy Tủy Kinh do Đạt Ma Sư Tổ sáng tạo, chỉ truyền cho các cao tăng đắc đạo. Dịch Cân Kinh tương truyền được chia thành 2 bộ, bộ đầu gồm 12 thức bao gồm những bí quyết nhập môn luyện khí và lực đi đôi với nhau thoát thai hoán cốt làm bước đệm để luyện nội công thượng đẳng tiếp theo. Bộ sau cũng gồm 12 thức dẫn dắt con người đến cảnh giới nội công thượng thừa, tùy ý dẫn khí trong cơ thể từ đó mà vô bệnh, trường thọ. Hai thức đầu chỉ là cơ sở luyện khí nhập môn. Những thức kế tiếp mới là uy lực thực sự. Màu sắc nội lực cũng thay đổi theo thứ tự Hồng – Hoàng – Lam – Bạch – Hắc.
Mộ Dung Bác cũng đã thừa nhận Dịch Cân Kinh là Thần Công mạnh nhất trong thiên hạ, đương thời chỉ có Lục Mạch Thần Kiếm của Đại Lý Đoàn Thị là có thể so sánh. Dịch Cân Kinh khi luyện thành ngoài nội lực vô biên, còn có khả năng khắc chế rất nhiều môn Tà công bàng môn tà đạo.
Nhắc đến Dịch Cân Kinh trong truyện Kim Dung, người ta nhớ đến chuyện Lệnh Hồ Xung (trong Tiếu ngạo giang hồ) bị trọng thương chờ chết mà vẫn hồi phục nhờ Dịch Cân Kinh. Từ đây, câu chuyện về Dịch Cân kinh mới trở nên hấp dẫn hơn khi gắn với một vị đại sư. Đó là Phương Chấn đại sư. Không chỉ luyện thành Thiên thủ Như Lai chưởng mà Phương Chấn đại sư còn luyện thành Dịch Cân Kinh đến độ xuất thần nhập hóa.
Dịch Cân Kinh được xem là môn nội công rất khó luyện thành. Nhưng một khi đã luyện thành thần công thì người luyện sẽ trở thành một cao thủ có nội lực thượng thừa. Vì vậy, trong tác phẩm Thiên long bát bộ, Cưu Ma Trí do cưỡng cầu luyện dẫn đến tẩu hỏa nhập ma. Tuy nhiên, trong thế giới võ hiệp của mình cố nhà văn Kim Dung đã ưu ái cho Phương Chấn đại sư (hay Phương Chứng đại sư) trong bộ tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ là chưởng môn phái Thiếu Lâm, trụ trì Thiếu Lâm tự, ông còn trên cơ cả Nhậm Ngã Hành. Phương Chấn đại sư đã để thua Nhậm Ngã Hành cũng chỉ vì tấm lòng từ bi của mình muốn cứu Dư Thương Hải mà trúng chưởng của họ Nhậm kia. Cũng chính Phương Chứng là người đã nhìn ra âm mưu thâm sâu của Nhạc Bất Quần cùng Tả Lãnh Thiền mà nói cho Lệnh Hồ Xung biết.
Nhưng cái để người ta phải khâm phục ông không phải là võ công mà là tài trí cùng với tấm lòng từ bi của một vị cao tăng đắc đạo. Ông đã vượt ra ngoài cái tầm nhìn hạn hẹp của luật lệ một môn phái bởi Phương Chấn đại sư đã không ngần ngại đem Dịch Cân Kinh truyền thụ cho Lệnh Hồ Xung khi Nhậm Ngã Hành công khai đòi tiêu diệt Hằng Sơn, đặc biệt ông nói đó là tâm pháp nội công do Phong Thanh Dương nhờ truyền cho chàng. Phương Chấn đại sư ra quyết định vì an nguy cho toàn thể võ lâm đồng đạo. Nếu như không có Doanh Doanh thông minh tinh tế nói ra điều này thì có lẽ Lệnh Hồ Xung cũng như người đọc chẳng thể nào phát hiện được.
Khi Lệnh Hồ Xung lên chức vụ chưởng môn phái Hằng Sơn, ông đã cùng Xung Hư đạo trưởng phái Võ Đang hết lòng ủng hộ, mong muốn Lệnh Hồ Xung sẽ đoạt chức chưởng môn phái Ngũ Nhạc phái để tránh cho chức này rơi vào tay những kẻ như Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền.
Có lẽ đây là lần duy nhất Dịch cân kinh của Thiếu Lâm tự được truyền cho một người theo cách như thế, chẳng những người được truyền không là đệ tử bản môn, mà còn bị lừa gạt để vô tình học thần công mà không hề hay biết, đúng là chỉ có Phương Chấn đại sư mới làm được như thế.
Lợi hại mà Dịch Cân Kinh đem lại không chỉ có vậy. Du Thản Chi (trong Thiên long bát bộ) thì vô tình tập theo Dịch Cân Kinh mà từ nhân vật hạng bét trong võ lâm trở thành cao thủ, Vô Danh thần tăng (trong Thiên long bát bộ) nhờ Dịch Cân Kinh hộ thể mà có thể thản nhiên chịu một chưởng của Tiêu Phong mà không hề hấn gì. Dễ thấy, Dịch Cân Kinh là một môn nội công thiên về phụ trợ, có tác dụng điều hòa và tăng cường tư chất cho người luyện hơn là khắc địch chế thắng. Điểm độc đáo nhất của Dịch Cân Kinh là có thể hóa giải sự xung đột của các loại chân khí khác nhau trong cơ thể.
Nhà văn Kim Dung ra đi và để lại cho người hâm mộ kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trong đó, những chiêu thức võ thuật cùng với các nhân vật được coi là huyền thoại từng là thơ ấu, là ký ức khó quên của bao người.
Theo Trần Đào (Võ Thuật)
No comments:
Post a Comment